Blog

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì?

373

Khái niệm thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa

Để hiểu rõ Thể chế KTTT định hướng XHCN, ta sẽ bắt đầu từ khái niệm gốc : Thể chế kinh tế.

Kinh tế thị trường vốn  được ví như 1 sân chơi, trong đó người chơi chính là những chủ chủ thể kinh tế khác nhau (như : các nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và cả các tổ chức kinh tế của nhà nước…._). Các chủ thể kinh tế này cùng hoạt động và chịu sự tác động của các quy luật kinh tế khách quan (quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu…) và tất nhiên, họ cũng chịu sự tác động từ hệ thống luật pháp cũng như các hệ thống quy tắc xã hội. Hay nói cách khác, các chủ thể kinh tế với tư cách là người chơi, khi tham gia sân chơi chung của kinh tế thị trường, sẽ phải tuân theo « luật chơi » và chịu sự giám sát từ các cơ quan quản lý của nhà nước.

Ở đây, cái được gọi là « Luật chơi » đó  chính là thể chế kinh tế.

Vậy ta có ,  «  khái niệm »  thể chế kinh tế:  « là hệ thống quy tắc, pháp luật, bộ máy quản lý và cơ chế  vận hành nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh tế, các hành vi sản xuất kinh doanh và các quan hệ kinh tế »

Theo khái niệm này, thể chế kinh tế bao gồm 3 bộ phận cơ bản:

+ Một là, hệ thống pháp luật kinh tế của nhà nước, ví dụ như : bộ luật đầu tư, luật đất đai, luật thương mại … hay các quy tắc, chuẩn mực xã hội được nhà nước thừa nhận như đạo đức nghề nghiệp, giữ chữ tín trong làm ăn, đoàn kết hợp tác, cạnh tranh lành mạnh… Mặc dù, những quy tắc, chuẩn mực xã hội này không phải là luật định chính thức, nhưng các chủ thể kinh tế ngầm hiểu và tôn trọng.

+ Bộ phận thứ hai của thể chế kinh tế chính là hệ thống cơ quan giám sát, thực thi pháp luật của nhà nước như bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ( Ví dụ : các Bộ, Sở, Ban, Ngành, UBND, hải quan, cảnh sát biển, thanh tra kinh tế, chi cục thuế…). Bộ phận này có chức năng thi hành pháp luật, thượng tôn pháp luật, thể hiện sức mạnh quản lý của nhà nước.

+ Bộ phận thứ ba là, cơ chế vận hành nền kinh tế, hay thực thi luật chơi kinh tế: Trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh tế bị dẫn dắt, vận hành bởi cơ chế kinh tế thị trường. Nó bao gồm cơ chế cạnh tranh, cơ chế phối hợp, phân cấp quản lý, tham gia giám sát… Các cơ chế này như bàn tay vô hình dẫn dắt, điều tiết chủ thể kinh tế để đạt được lợi ích kinh tế.

Từ sự phân tích bản chất của Thể chế kinh tế, Chúng ta đi đến khái niệm thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ở Việt Nam.

« Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hệ thống đường lối, chủ trương chiến lược, hệ thống pháp luật, chính sách xác lập cơ chế vận hành, điều chỉnh hành vi và các quan hệ kinh tế của các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh tế, nhằm hướng tới thiết lập đồng bộ các yếu tố thị trường hiện đại theo hướng góp phần thúc đẩy dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh »

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trường hợp riêng của thể chế kinh tế nói chung. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cơ bản cũng bao gồm 3 bộ phận cấu thành  (như luật pháp, quy tắc xã hội, cơ quan quản lý kinh tế của nhà nước và cơ chế vận hành nền kinh tế).

Tuy nhiên, do kiện kinh tế – chính trị – xã hội khác nhau nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam khác với thể chế kinh tế thị trường ở các quốc gia khác …. Trước hết, khác biệt về mặt định hướng chiến lược thì thể chế KTTT định hướng XHCN phải nhắm tới mục tiêu : dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh (Đây là mục tiêu cơ bản của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CHXH), do đó sẽ dẫn đến sự khác biệt về hệ thống luật pháp, quy tắc xã hội, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, các bạn nhé !

Sự cần thiết phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Chúng ta thấy rằng, thể chế kinh tế luôn luôn đi sau sự vận động, biến đổi của lực lượng sản xuất, cho nên, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tất yếu và liên tục. Hay nói cách khác,  để xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhất thiết cần phải liên tục hoàn thiện hệ thống thể chế  kinh tế của nó.

Cụ thể, thì sự cần thiết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xuất phát từ 3 lý do cơ bản sau :

Thứ nhất, do kinh tế thị trường mới được hình thành và đang phát triển, nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa đồng bộ.

Chưa đồng bộ có nghĩa là gì ? Chưa đồng bộ tức là sự thiếu thống nhất, chồng chéo về mặt nội dung, chức năng, nhiệm vụ của thể chế kinh tế.

Ta có thể lấy ví dụ về sự chưa đồng bộ, thiếu thống nhất trong hệ thống luật pháp giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai chẳng hạn :

Về hoạt động đầu tư , khi xin cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất (dưới 10ha đất nông nghiệp) thì trong luật Đầu tư (điểm a khoản 1 Điều 32) quy định : « Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền chấp thuận cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất”; trong khi, Luật Đất đai thì lại Điều 58 lại xác định đó là thẩm quyền của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh. Điều này, làm cho doanh nghiệp đầu tư muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất dưới 10 ha không biết là xin đơn vị nào cấp phép là đúng?.

Hay như, Ví dụ về sự thiếu đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học (2018) và Luật Viên chức về vấn đề tự chủ đại học.  Luật Giáo dục đại học 2018 trao thẩm quyền cho các đơn vị tự chủ cho việc quyết định về  tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhân sự trong trường, và chi thường xuyên trong quá trình quản trị trường. Tuy nhiên, đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đa số nhân sự trong trường là viên chức, phải tuân thủ các quy định của Luật Viên chức hiện hành. Với tư cách là viên chức, lương và phụ cấp của giảng viên hiện nay được thực hiện theo chức danh nghề nghiệp và thang, bậc lương tương ứng (như các chức danh nghề nghiệp viên chức khác) chứ các trường Đại học không được quyền tự ý quyết định.

Như vậy, có sự chồng chéo về nội dung, không thống nhất trong quy định thẩm quyền giữa các bộ luật như hiện nay. Nó thể hiện sự thiếu đồng bộ về thể chế, mà cụ thể ví dụ trên đó chính là Luật pháp và chức năng của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, đây là lý do đầu tiên cần phải hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN.

Lý do Thứ hai phải hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là hệ thống thể chế của chúng ta chưa đầy đủ. Khi chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung năm 1986, hệ thống thể chế kinh tế gồm luật pháp, quy tắc chuẩn mực, cơ quan quản lý kinh tế của nhà nước hay chủ thể kinh tế tất yếu sẽ phải điều chỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, mặc dù có sự điều chỉnh, nhưng hệ thống thể chế của chúng ta vẫn chưa đầy đủ, bởi thể chế luôn luôn đi sau  sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Ví dụ như : trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các hình thức kinh doanh online (trên  facebook, youtube, ticktok) đang nở rộ, và phổ biến. Nhưng nhà nước hiện vẫn chưa có văn bản luật và cơ chế thu thuế từ các hoạt động kinh doanh online. Điều đó cho thấy về mặt thể chế kinh tế chúng ta còn thiếu và chưa đầy đủ.

Thể chế kinh tế thị trường là sản phẩm của nhà nước, bởi nhà nước là chủ thể lập ra luật pháp, và tổ chức thi hành pháp luật. Nhà nước Việt nam về bản chất là nhà nước của dân, do dân, vì dân, vì thế thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam mục tiêu phục vụ lợi ích, vì lợi ích của nhân dân. Do vậy, khi xã hội càng phát triển, nhu cầu của nhân dân, lợi ích của nhân dân, và mục tiêu kinh tế ngày càng thay đổi thì nhà nước phải xây dựng và không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là tất yếu khách quan.

Lý do thứ ba, hệ thống thể chế còn kém hiệu lực (chưa đủ mạnh), hiệu quả thực thi chưa cao; chưa có đầy đủ các loại thị trường và các yếu tố của thị trường, chất lượng của chúng còn ở trình độ thấp.

Kinh tế thị trường được tạo lập bởi nhiều loại thị trường thành viên như : thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường lao động, thị trường BĐS, Thị trường tài chính và thị trường công nghệ. Các loại thị trường cơ bản này của chúng ta còn hoàn thiện hoặc ở trình độ thấp, nên hệ thống thể chế của chúng ta còn kém hiệu lực, hiệu quả thực thi chưa cao.

Ta lấy ví dụ Thị trường tài chính chẳng hạn, ở các nước phát triển, ngươi dân chủ yếu chi tiêu, mua sắm, nhận và trả lương bằng tiền điện tử, tiền chuyển khoản. Thị trường tài chính của họ tương đối hiện đại, nên nhà nước dễ dàng kiểm soát được dòng tiền lưu thông, kiểm soát được thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp. Do đó, hạn chế chế thất thoát khoản thuế thu nhập cá nhân hay thuế doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước. Còn đối với nước ta, thị trường tài chính đang trong quá trình hoàn thiện, cơ chế kiểm soát dòng tiền trong dân còn kém hiệu quả, giao dịch chủ yếu qua tiền mặt, nên nhà nước khó kiểm soát thuế thu nhập và thuế nghiệp, ngân sách bị thất thoát nhiều, hiện tượng tham ô tham nhũng, rửa tiền khó phát hiện.

Hay ví dụ về cơ quan quản lý kinh tế của Nhà nước, chưa đủ mạnh để kiểm soát các loại hình công ty, dẫn đến một vài công ty đa cấp biến tướng, gây phương hại đến lợi ích của nhân dân và người tiêu dùng. Cơ quản quản lý thị trường chưa đủ hiệu quả quản lý dẫn đến hiện tượng hàng giả, hàng nhái, gây ô nhiễm môi trường còn phổ biến.

Bởi vậy, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay. 

0 ( 0 bình chọn )

Pgdtpnamdinh.edu.vn

https://pgdtpnamdinh.edu.vn
Blog Pgdtpnamdinh.edu.vn nơi học vẽ uy tín chất lượng. Học theo phương pháp cơ bản khoa học nhất hiện nay

Ý kiến bạn đọc (0)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm